Có vẻ như, khái niệm về Trung thu mà bậc phụ huynh thế hệ 8X đời đầu như tôi đưa ra đã trở nên lỗi thời, cũ kỹ trong suy nghĩ của những đứa trẻ thời nay. Trung thu với chúng bây giờ chỉ đơn giản là dịp để được người lớn tặng quà. Dĩ nhiên, quà sẽ là những món đồ chơi mà chúng yêu thích, được quyền gợi ý và lựa chọn. Ngay cả món bánh “huyền thoại” đặc trưng cho vị Tết Trung thu như bánh dẻo, bánh nướng cũng không còn là thứ quà khiến bọn trẻ thòm thèm hay háo hức.
Niềm vui của trẻ em đón Tết Trung thu thời bao cấp
Ký ức ấu thơ
Lại nhớ những Trung thu khi mình còn là đứa trẻ. Hà Nội khi ấy, những năm đầu thập niên 90 vẫn còn vẹn nguyên không khí nhộn nhịp và sắc màu truyền thống của ngày Tết trông trăng. Trung thu trong suy nghĩ của lũ trẻ lúc bấy giờ chỉ đơn giản là ngày mà “ông Trăng” tròn và sáng nhất năm, trông lên cao sẽ thấy rõ “chú Cuội ngồi gốc cây đa”, và đúng đêm Rằm thì được kéo nhau đi rước đèn, xem múa lân - sư - rồng, rồi cuối cùng là hùa nhau phá cỗ. Gần đến dịp này, bọn trẻ con trong xóm lại thì thào bàn xem sẽ phá cỗ nhà ai, góp cỗ như thế nào. Có một quy luật bất thành văn là nhà đứa nào có gác, có sân thượng thì sẽ ưu tiên mang cỗ sang đó “phá” để trông trăng cho… gần.
Đúng tối Trung thu, chẳng ai bảo ai, đứa nào cũng tắm rửa từ rất sớm, chọn mặc bộ quần áo đẹp nhất, ăn cơm ít hơn ngày thường (vì để dành bụng còn phá cỗ), chờ đến lúc ở nhà thắp hương xong là xin bố mẹ cho “xí” một món đồ để mang đi góp cỗ. Mâm cỗ Trung thu chung của bọn trẻ trong xóm ngày ấy được bày la liệt trên chiếc chiếu cói rộng với đủ thứ bánh kẹo, hoa quả, bỏng ngô… xung quanh là đèn cù, đèn ông sao, những chiếc mặt nạ được tô vẽ đủ hình làm từ giấy bồi. Chỉ cần chờ hiệu lệnh phá cỗ của đứa đầu trò lớn nhất hội là cả lũ hồ hởi với tay lấy thứ mình thích.
Đồ chơi Trung thu với những đứa trẻ ngày xưa bình dị đến mức có thể chế ra mà không cần phải chờ người lớn mua cho. Đó là chiếc đèn quả trám làm từ lon nước ngọt, chiếc đèn xếp bằng giấy bồi, giấy bóng kính… Cầu kỳ hơn cả là chiếc lồng đèn ống lon (hay còn gọi là xe lon) làm từ 2 lon sữa bò. Nhưng dù là đèn làm từ chất liệu gì, kiểu dáng ra sao thì cũng luôn có chỗ để cắm những ngọn nến xanh, nến đỏ, khi cầm hay đẩy đi là phát sáng khắp ngóc ngách của con ngõ nhỏ. Tiếng hát, tiếng cười đùa giòn tan vang khắp chốn.
Còn một điều thú vị không thể thiếu trong mỗi dịp Trung thu khi ấy là những nhóm múa lân khua chiêng đánh trống rộn rã, vừa đi vừa biểu diễn các động tác điệu nghệ, bắt mắt. Trong những đoàn múa lân luôn có một người được chọn đeo mặt nạ chú Tễu hài hước, tay cầm quạt phe phẩy đầy khoái chí, cắp theo một cái bị cói hoặc một cái hũ nhựa đựng tiền mà mọi người cho. Đoàn múa đi tới đâu, bọn trẻ lại ùa ra chạy theo tới đó. Niềm vui của những đứa trẻ thành thị trong dịp Tết Trung thu chỉ có vậy, lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, không đòi hỏi, không tốn tiền nhưng niềm vui thì không gì đo đếm được.
Gian hàng chợ Trung thu 1987
Nỗi buồn thời hiện đại
Trung thu với những đứa trẻ bây giờ không còn giống vậy, nếu không nói là khác xa. Lũ trẻ dường như không có khái niệm hồi hộp chờ đến cái ngày được gọi là Tết của mình. Trung thu trở nên bình thường như bao ngày hội khác trong năm, thậm chí còn không được chờ đón như các dịp lễ mà cả nước đều được nghỉ như 30-4 hay 2-9.
Dấu hiệu quen thuộc để nhận biết Trung thu sắp đến là những quầy bán bánh nướng, bánh dẻo được dựng lên chớp nhoáng ở các đoạn phố có vỉa hè rộng, hay sang trọng hơn là những cửa hàng được trang hoàng lộng lẫy. Các cửa hàng đồ chơi thì treo thêm đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân, đèn lồng, mặt nạ, đầu sư tử… bên cạnh các mặt hàng đồ chơi hiện đại đủ kích cỡ và thể loại.
Những ngày này, phố Hàng Mã đông đúc và chật chội hơn bao giờ hết vì dòng người nườm nượp đổ về. Người lớn thì rủ nhau lên đây chụp ảnh “check-in”, còn lũ trẻ thì ngơ ngác bám theo bố mẹ để biết thế nào là không khí Trung thu. Có vẻ như cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng cao thì hương vị của ngày Tết Trung thu ngày càng phai nhạt.
Và nếu như không đổ ra đường, không chen nhau lên phố, không tìm đến những nơi có “dấu hiệu” Trung thu, thì bọn trẻ sẽ khó mà cảm nhận được ngày Tết của chúng đang đến gần. Bất giác chợt thấy ngày xưa, thiếu thốn đủ thứ, nhưng có thừa không khí. Còn bây giờ cái gì cũng có, chỉ không có cái dư vị bình dị mà vô cùng đáng nhớ ấy.
Được tặng quà có lẽ là thú vui duy nhất của bọn trẻ thời @ mỗi dịp Trung thu. Nhưng niềm vui ấy cũng không có gì quá lớn lao bởi ngoài dịp này thì chúng vẫn được người lớn mua quà cho vào rất nhiều dịp khác, từ Tết Nguyên đán đến dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, từ quà đầu năm học mới đến quà Giáng sinh... Thậm chí, chẳng phải ngày lễ hay dịp Tết nào, nhưng cứ thủ thỉ đòi, nhiều khi vẫn được quà. Dịp này, cũng chẳng còn trò hẹn nhau túm năm tụm bảy để phá cỗ linh đình như trước.
Ở các khu chung cư hiện đại hay xóm, phường, Trung thu được “níu giữ” bằng một buổi liên hoan tập thể, có múa hát rộn ràng, chỗ nào nhiều tiền thì thuê cả người đóng các nhân vật trong truyện, phim về hoạt náo bầu không khí, đủ các nhân vật từ siêu nhân, người nhện, công chúa… đến cả Tôn Ngộ Không. Quà Trung thu bây giờ là những gói nilon nhỏ đựng bim bim, bánh, kẹo, thạch trái cây… mà có khi phải chạy theo giúi vào tay, bọn trẻ mới chịu cầm.
Những cô gái diện áo dài duyên dáng dạo phố Hàng Mã Tết Trung thu
Trăng tròn và trăng khuyết
Mẹ tôi kể, dịp Trung thu xưa, bà mua mấy chiếc bánh nướng, bánh dẻo về để phá cỗ. Đúng đêm Rằm bà đi làm về muộn, anh con trai út ở nhà thèm ăn bánh nhưng không dám bóc vì nhớ lời mẹ dặn “phải để thắp hương xong mới được ăn”. Vừa ra tận ngoài cổng đứng đợi, anh chàng vừa lẩm bẩm: “Mẹ ơi về nhanh, thắp hương cúng cụ nhanh cho con ăn bánh”.
Được véo một miếng bánh Trung thu khi ấy là thỏa mãn cả cơn thòm thèm quanh năm. Bây giờ, bánh nướng, bánh dẻo được bán vào cả ngày thường, có đủ loại và đủ vị. Bọn trẻ thời 8X như chúng tôi cũng rất lâu rồi không còn cảm giác thèm miếng bánh được xem là đặc trưng của Trung thu này nữa. Đương nhiên, bọn trẻ ngày nay lại càng không. Bánh nướng, bánh dẻo giờ được đóng vào những chiếc hộp giấy, hộp gỗ rất đẹp, chủ yếu là để phục vụ cho… người lớn mua để đi biếu xén, ngoại giao.
“Trung thu là Tết thiếu nhi/ Cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều”. Chẳng biết từ bao giờ, câu ví von ấy trở thành câu cửa miệng mà người lớn vẫn thường đùa nhau mỗi dịp Trung thu sắp sửa về. Nghe có vẻ vui tai nhưng kỳ thực, ngẫm lại thấy bi hài hết sức. Bọn trẻ bây giờ có đủ thứ quà, đủ thứ đồ ăn thức uống trong dịp Trung thu, nhưng chúng không có sự hào hứng và cả không khí chộn rộn đầy tình cảm mà chúng tôi từng có ngày xưa.